Mục đích
Tục xăm mình đã phát triển để thực sự trở thành một thứ văn hóa cộng đồng như xăm vật tổ để nhận biết những người cùng trong một bộ lạc, cách đánh dấu này phổ biến ở rất nhiều dân tộc ít người. Một số bộ tộc trên thế giới đánh dấu sự trưởng thành của mỗi thiếu niên bằng nghi lễ xăm mình sau chuyến đi săn thành công đầu tiên. Tại Papua New Guinea, phụ nữ Maisin được xăm trong nghi lễ dậy thì, ai chưa xăm được coi là không có thần sắc và chưa sẵn sàng kết hôn. Ngày nay, phụ nữ xăm để thẩm mỹ, làm đẹp như: xăm lông mày, xăm môi, xăm mắt... Giới trẻ xăm mình như một xu hướng khẳng định cá tính.
Thẩm mỹ, tôn giáo
Những hình xăm cũng để phục vụ cho những nghi lễ chuyển giao, là dấu hiệu của địa vị và đẳng cấp, là biểu tượng của niềm tin tâm linh, sùng bái tôn giáo, lòng mộ đạo, là sự trang hoàng cho lòng dũng cảm, những hấp dẫn giới tính, là dấu hiệu của phồn thực, vật đảm bảo cho tình yêu, là bùa hộ mệnh, là dấu hiệu của tù nhân và nô lệ...
Phô trương
Xăm mình cho phép khẳng định địa vị xã hội. Vào thế kỷ 19, giới quý tộc Anh và bậc vua chúa như Nga hoàng Nicolas II, các nhà vua Thụy Điển và Đan Mạch đã sang Nhật để xăm hình những con rồng. Nhưng ngược lại, tại Nhật, dân xăm mình lại là những thành phần thấp kém trong xã hội lúc đó như lính cứu hỏa, người giữ ngựa. Ngày nay, chỉ còn lại những gangster Nhật - những yakuza - là còn giữ truyền thống xăm mình.
Đánh dấu
Các triều đại phong kiến châu Á từng xử tội nạn nhân bằng xăm mình. Nước Trung Hoa thời phong kiến từng xem việc xăm mình là một biểu hiện của sự dã man. Nhiều triều đại vua chúa đã dùng hình thức này để trừng phạt những kẻ phạm tội. Đến sau thế kỷ thứ 6, việc xăm mình còn được dùng để đánh dấu nhằm giúp nhận dạng nhanh hơn các tội phạm và những tù nhân bị lưu đày. Các phạm nhân tội nặng khi đó, thay vì bị xẻo tai hay bị chặt một bàn tay như trước kia, sẽ bị đánh dấu bằng cách xăm chữ lên mặt cho biết nơi họ đã phạm tội. Họ sẽ bị tách khỏi gia đình, cộng đồng và không còn vị trí xã hội.
Tại Nhật Bản, việc trừng phạt phạm nhân bằng hình thức xăm mình đã có vào năm 720 sau Công nguyên. Khi đó, Nhật Hoàng đã giảm tội chết cho một thủ lĩnh nổi loạn xuống thành hình phạt xăm mình. Đến thế kỷ 17, việc xăm mình trị tội được thay thế bằng những hình phạt khác và nhà nước phong kiến đã cố gắng dẹp bỏ nó.
0 Comments